Thứ Sáu, 01/11/2024 17:23 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Nhân chứng & sự kiện

Bí ẩn đường đi của 560 chiếc xe mô tô

Đêm 28/9/2016, trên tuyến đường liên xã Sa Lý huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang với xã  Xuân Dương huyện Lộc Bình , tỉnh Lạng Sơn có 5 chiếc xe mô tô, loại xe ga có giá trị lớn, đi thành hàng một với tốc độ, khoảng cách đều nhau, vút đi trong màn đêm.

Đến địa phận thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình,tỉnh Lạng Sơn khi đang đi với tốc độ nhanh, hàng xe mô tô phải đi chậm lại vì  phía trước đường bị chặn bởi 2 chiếc ô tô va chạm với nhau. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, thì từ phía sau một chiếc xe tải bỗng quay ngang đường và hai tổ mật phục hai bên đường đồng loạt ập vào khống chế 4 người đang ngồi cầm lái xe mô tô. Rơi vào thế gọng kìm của lực lượng cảnh sát hình sự, các đối tượng bị bắt giữ khi chưa kịp trở tay. 4 đối tượng bị bắt giữ là: Nguyễn Đại Dương (sinh năm 1991, HKTT tại thôn Nghĩa Tường, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình); Đặng Phúc Bảo (sinh năm 1993, HKTT tại thôn Khuân Xúm, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang); Hà Văn Hoàng (sinh năm 1989, HKTT tại thôn Thanh Tiến, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa); và Trần Văn Lâm (sinh năm 1994, HKTT tại xóm 1, xã Nam Hưng, huyện Tiên Hải, tỉnh Thái Bình). Tang vật thu giữ gồm: 1 xe môtô nhãn hiệu Honda Airblade màu đen vàng, BKS 29V5- 125.99; 1 xe môtô nhãn hiệu Honda PCX màu đen nâu BKS 88F1- 195.84; 1 xe môtô nhãn hiệu SH Mode màu trắng nâu BKS 29V1-292.71; 1 xe môtô nhãn hiệu SH 150i màu xanh đen BKS 99H1- 077.78 và 8 chiếc điện thoại di động các loại. Qua xác minh nhanh ban đầu, cơ quan chức năng xác định 4 chiếc xe trên đều bị trộm cắp. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai được một người đàn ông tên Mai thuê vận chuyển xe máy trộm cắp từ tỉnh Bắc Ninh đến biên giới Việt Trung thuộc khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn giao cho người khác để đem sang Trung Quốc tiêu thụ.

Ổ nhóm tiêu thụ xe gian

Từ tháng 5/2016, thông qua các hoạt động nghiệp vụ trinh sát và phối hợp với các đơn vị trên tuyến, địa bàn, các trinh sát phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn thu thập được nhiều thông tin tại đường mòn biên giới Việt Nam – Trung Quốc, khu vực Co Xa, thuộc địa phận thôn Bản Thín, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình cứ vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng lại xuất hiện một nhóm  nam giới từ 3 đến 4 đối tượng điều khiển xe mô tô tay ga đắt tiền đi về khu vực biên giới nhưng không rõ đi đâu và không có dấu hiệu quay trở lại. Trung tá Vũ Tiến Đức – Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Qua công tác nghiệp vụ trinh sát chúng tôi đã nắm được thông tin có các đối tượng thường đi những xe máy đắt tiền như SH, Lead, Spacy giao dịch với những đối tượng ở ngay sát biên giới sau đó các xe kia tuồn ra vùng biên giới để bán. Tuy nhiên thời điểm chúng tôi phát hiện thông tin đến thời điểm các đối tượng chuyển xe sang bên kia biên giới đất Trung Quốc là thời điểm rất ngắn nên chúng tôi cũng không kịp tác nghiệp để triển khai các biện pháp nghiệp vụ, bắt giữ".

Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tiếp tục nắm tình hình địa bàn. Cũng trong thời gian đó, tại các huyện Chi Lăng, huyện Hữu Lũng, huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn, lực lượng CSGT qua công tác tuần tra, kiểm soát giao thông phát hiện và thu giữ một số phương tiện vi phạm. Tuy nhiên chủ những phương tiện đó cũng không đến cơ quan CSGT để làm việc. Sau khi trao đổi với công an các huyện, các trinh sát của phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành tra cứu chủ sở hữu thì phát hiện những chiếc xe này là tang vật của những vụ trộm tại Bắc Ninh và một số địa bàn các huyện của thành phố Hà Nội như huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Long Biên, tỉnh Vĩnh Phúc, thành phố Hải Phòng. Trung tá Vũ Tiến Đức kể: "Sau khi chúng tôi xác định những xe máy này là tang vật của vụ án, các đối tượng khả năng là sau khi trộm cắp đã mang sang Trung Quốc để tiêu thụ, chúng tôi có đề xuất Giám đốc Công an tỉnh cho xác lập chuyên án trinh sát để tổ chức đấu tranh triệt phá".

Chuyên án mang bí số 916 – T đấu tranh với đường dây tiêu thụ xe máy trộm cắp từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được xác lập với những trinh sát dày dặn kinh nghiệm nhất được tung vào cuộc. Lãnh đạo Ban chuyên án đã phân công nhiệm vụ, vai trò cho từng thành viên trong chuyên án, xây dựng kế hoạch đấu tranh để giải quyết từng mục tiêu cụ thể.

Hành trình phá án

"Trong quá trình quản lý tuyến, trong tháng 8 chúng tôi có trinh sát và nắm được thông tin về một nhóm đối tượng thường xuyên là từ 5 đến 6 đối tượng đi xe mô tô tay ga loại đắt tiền, là các xe phân khối lớn mà hầu hết biển kiểm soát đều của các tỉnh phía sau như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đi vào khu vực biên giới và sau đó không thấy quay trở lại. Kết hợp các thông tin trên, cùng với việc trước đó lực lượng tuần tra của Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn cũng đã kiểm tra và giữ một số các phương tiện là xe mô tô tay ga do các nam thanh niên đi trên tuyến quốc lộ 1 khi kiểm tra các đối tượng không xuất trình được giấy tờ và khi chuyển giao cho công an các huyện trên địa bàn điều tra thì các đối tượng đều khai nhận là các xe mô tô trên đều được một nhóm đối tượng thuê điều khiển từ  Bắc Ninh đưa sang Trung Quốc giao cho một đối tượng người Trung Quốc đưa vào biên giới để giao cho một đối tượng người Trung Quốc", Trung tá Ngô Quang Trung, đội trưởng Đội chuyên đề nghiệp vụ cơ bản – Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn kể. .

Kết hợp hai nguồn thông tin trên, Đội chuyên đề nghiệp vụ cơ bản đã báo cáo Ban chuyên án cho tổ chức trinh sát thu thập thông tin, nắm tình hình và khảo sát lại toàn bộ địa bàn, các tuyến đường, tìm hiểu di biến động của đối tượng.

Sau một thời gian ngắn xác minh, trinh sát đã xác định được tuyến đường các đối tượng di chuyển từ Bắc Ninh đi Bắc Giang vào huyện Lục Ngạn, sau đó đi theo đường liên xã từ Bắc Giang lên Lạng Sơn chứ không đi theo tuyến quốc lộ chính. Đây là tuyến đường duy nhất các đối tượng di chuyển, thông thường từ 3- 5 ngày các đối tượng đi một chuyến, cũng có lúc là 2 đối tượng đi một xe, có lúc đông 5-6 đối tượng cùng đi, mỗi đối tượng đi 1 xe, khi đi chúng cách nhau khoảng 50 – 100m/đối tượng. Theo phân tích của Ban chuyên án, sở dĩ các đối tượng lựa chọn cung đường này và đi vào buổi đêm để tránh sự kiểm tra của lực lượng Công an bởi vì ban đêm khu vực biên giới vắng vẻ, toàn bộ đường liên xã ít phương tiện đi lại, người dân cũng ngủ hết, không ai để ý. Trung tá Ngô Quang Trung cho biết thêm: "Vẻ bề ngoài các đối tượng như một người dân bình thường đi làm thuê vì ở khu vực biên giới có những người dân vẫn đi làm, một là đi làm thuê bên Trung Quốc, hai là đi làm thuê bên Việt Nam và cái thứ ba là buổi sáng ở đấy dân người ta cũng đi cạo nhựa thông vì có đồi biên giới đường giáp ranh giữa Trung Quốc và Việt Nam đi lại cũng không khó khăn lắm, đường biên giới thì dài lực lượng quản lý biên giới biên phòng, hải quan không quản lý xuể được cũng là một cái để cho đối tượng lợi dụng hoạt động".

Bài toán đặt ra lúc này với Ban chuyên án là: lựa chọn thời gian và địa điểm phá án. Bởi sau khi khảo sát toàn bộ vị trí tuyến đường, Ban chuyên án nhận thấy cần tìm một vị trí thuận lợi để bố trí lực lượng tổ chức kiểm tra làm sao cho đảm bảo an toàn cho lực lượng kiểm tra cũng như an toàn cho đối tượng khi đang di chuyển; vì tuyến đường liên xã cũng có những đoạn đường rất phẳng, các đối tượng đi xe với tốc độ nhanh nhưng cũng có những đoạn khó khăn cho việc di chuyển. Nhưng quan trọng nhất là phải bắt giữ được cùng một lúc nhiều đối tượng, có như vậy, công tác điều tra, xác minh, thu thập tài liệu mới đầy đủ, để củng cố và xử lý đối tượng. Đây cũng chính là chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Ban chuyên án đối với các thành viên.

Sau khi hoàn thành phương án khảo sát và xây dựng quần chúng, lực lượng trinh sát đã có những buổi diễn tập để đo thời gian  di chuyển từ trụ sở đến địa điểm tổ chức vây bắt, diễn tập tình huống vây bắt, kế hoạch hành động cụ thể và chi tiết đến từng giây. Vào đêm 28, rạng sáng 29/9/2016, toàn bộ lực lượng tham gia chuyên án vẫn thường xuyên túc trực ở đơn vị để chờ thông tin. Khi nhận được điện báo từ cơ sở là có 5 đối tượng di chuyển từ Bắc Giang qua Sa Lý đến đất giáp ranh của Lạng Sơn là xã Xuân Dương; Ban chuyên án đã phát lệnh hành động. Sau 45’ kể từ khi  nhận được điện báo của cơ sở, các tổ công tác đã vào vị trí, chờ khoảng 5’ thì các đối tượng xuất hiện.  lực lượng công an đã giữ và kiểm tra được 4 đối tượng đi đầu, đối tượng đi cuối cùng có thể đã kịp thời quay đầu bỏ trốn tại thời điểm đấy khi thấy phía trước có nhiều ánh đèn. "Sau khi kiểm tra, các đối tượng đều không xuất trình được giấy tờ. Ban đầu các đối tượng khai là đi làm cửu vạn ở trên biên giới, đi đêm để đến sáng sẽ ra đi làm. Sau khi đưa về trụ sở của UBND thị trấn La Dương khai thác nhanh, các đối tượng khai nhận đây là xe mô tô các đối tượng vận chuyển thuê cho nhóm đối tượng chuyên đi mua xe mô tô trộm cắp và các loại xe ga đắt tiền từ Bắc Ninh, Hà Nội để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ với giá thuê là 1 triệu tiền công và được trả thêm 250 ngàn đến 300 ngàn tiền xe để quay lại Bắc Ninh cũng như tiền xăng và tiền đi đường", Trung tá Ngô Quang Trung kể.

Xác minh ban đầu cho thấy cả 4 người tham gia vận chuyển thuê xe mô tô đều chưa có tiền án, tiền sự; nhưng đã có sự quanh co, thủ đoạn trong khai báo về thông tin cụ thể của những kẻ cầm đầu cũng như nguồn gốc của 4 chiếc xe này. Thiếu tá Vi Quang Thanh, đội trưởng đội hướng dẫn và điều tra án – Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: sau khi phục bắt được 4 đối tượng cùng tang vật, việc cần thiết đối với đội là xác định được chủ sở hữu của 4 xe máy mà 4 đối tượng vận chuyển mang đi tiêu thụ, "Sau khi xác định được chủ sở hữu rồi, chúng ta mới tiến hành các bước điều tra tiếp theo như xác định giá trị tài sản, quan trọng là xác định cái tài sản, phương tiện đó có phải do phạm tội mà có hay không, có phải do mất trộm thì chúng ta mới chứng minh được tội phạm này bởi vì qua công tác thu thập tài liệu cũng như đấu tranh phá án chúng ta mới bước đầu chứng minh được là các đối tượng vận chuyển xe đi tiêu thụ chưa chứng minh được nguồn của xe do các đối tượng nào trộm cắp"

Cùng với công tác xác minh nguồn gốc của 4 chiếc xe mô tô, Đội chuyên đề nghiệp vụ cơ bản của Trung tá Ngô Quang Trung tiếp tục xác minh và truy bắt các đối tượng còn lại trong đường dây. Trung tá Ngô Quang Trung cho biết sau khi khai thác làm rõ việc đấy, ban chuyên án triển khai phương án và tổ chức lực lượng xác minh truy bắt những đối tượng còn lại là những đối tượng trực tiếp thuê và mua xe trộm cắp. Cái khó khăn của việc xác minh tổ chức đối tượng cầm đầu là các đối tượng ở không cùng nhau và quá trình giao xe các đối tượng đều sử dụng tên giả, hai tên, không cho biết quê quán, địa chỉ.

4 đối tượng bị bắt giữ tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an Lạng Sơn)

Quá trình đấu tranh khai thác, 4 đối tượng bị bắt đã khai nhận trong nhóm có 2 đối tượng, trong đó có một đối tượng tên là Hạnh, một  đối tượng tên là Mai là người Quảng Ninh đứng ra điều hành, thuê nhà tại thành phố Bắc Ninh sau đó cũng thuê người nấu cơm và  nuôi người vận chuyển để khi có xe của những đối tượng trộm cắp, Mai và Hạnh sẽ thuê những người này vận chuyển từ Bắc Ninh lên địa bàn Bắc Giang và sau đó đến Lạng Sơn rồi sang Trung Quốc tiêu thụ cho một đối tượng tên là Akhai, hơn 30 tuổi. Là người trực tiếp đi Bắc Ninh để xác minh về ngôi nhà nơi các đối tượng thuê trọ, Trung tá Ngô Quang Trung cho biết nhóm tội phạm này hoạt động rất chuyên nghiệp: "Tại nơi ở của các đối tượng trang bị đầy đủ tiện nghi  ví dụ như các dụng cụ tập thể hình. Tại nơi các đối tượng trọ, các đối tượng đều tâm sự và nói chuyện với mọi người xung quanh là đi làm cửu vạn bốc hàng chứ không bao giờ gây ồn ào cho những người  xung  quanh cho nên mọi người dân ở đấy không để ý. Đến khi chúng tôi xuống xác minh, kiểm tra, khám xét nơi ở trọ chúng tôi thu giữ được một số tài liệu liên quan trong đó có các mũ xe mô tô  mà bản thân các đối tượng tại đấy không bao giờ mang xe mô tô đến, thu được rất nhiều mũ bảo  hiểm và chìa khóa điện của xe mô tô".
Từ lời khai của 4 đối tượng, phòng cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn nhanh chóng xác minh được chỗ ở của nhóm đối tượng ở Bắc Ninh và ngay lập tức thông tin cho phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh để hỗ trợ tác nghiệp bắt giữ các đối tượng, tuy nhiên đã nhanh chân tẩu thoát sang Trung Quốc.

Một số đối tượng bỏ trốn vào các tỉnh phía trong như Thanh Hóa, Quảng Nam…. Bằng các biện pháp nghiệp vụ lực lượng Công an Lạng Sơn vừa vận động đầu thú vừa vào Thanh Hóa phối hợp với địa phương bắt giữ thêm 4 đối tượng là: Đào Hữu Thương, sinh năm 1991; Hà Văn Thiệp, sinh năm 1992; Cầm Bá Thông sinh năm 1990 đều có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Thanh Hóa và Nguyễn Đình Hiển sinh năm 1986 ở tỉnh Bắc Giang.

Thủ đoạn của băng nhóm tiêu thụ xe máy trộm cắp xuyên quốc gia 

Trong chuyên án này thủ đoạn của nhóm tội phạm này hết sức tinh vi, bọn chúng đã lên mạng xã hội facebook, zalo và đăng tuyển người lái xe ô tô. Sau đó một số người đọc được thông tin cần tuyển người lái xe ô tô liền đến gặp đối tượng Mai thì đối tượng Mai, Hạnh nói thẳng tôi cần thuê anh đi xe máy từ tỉnh Bắc Ninh lên giáp biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc tại tỉnh Lạng Sơn, mỗi chuyến đi các đối tượng trả cho các đối tượng vận chuyển thuê này là 1 triệu đến 1,2 triệu trên một chiếc xe máy, ngoài ra ăn ở, chơi bời, sinh hoạt đều do Mai và Hạnh trực tiếp thuê nhà. Có những địa điểm các đối tượng bỏ tiền ra thuê những căn nhà đến 6 triệu / tháng, trả tiền 1 năm, tức là mất 60 triệu, sau đó còn mua các phương tiện tập thể hình, thể dục, lắp điều hòa, sơn nhà nói chung là ở rất quy mô và cũng rất chắc chắn, cũng không lo rằng nếu bị bắt các đối tượng có thể mất một khoản tiền lớn. Tất cả những người biết lái ô tô khi tìm đến Mai và Hạnh, sau khi nghe Hạnh, Mai phân tích đều nhận lời đồng ý vận chuyển xe máy trộm cắp cho đối tượng, thời gian vận chuyển hơn 3 tiếng một chút sau đó lại bắt ô tô quay về Bắc Ninh thì nó cũng không có gì là vất vả nhiều và tiền cũng được tương đối, có những đối tượng một tuần vận chuyển khoảng 4-5 chuyến là được khoảng 5 triệu, tức là 1 tháng có thể được 20 triệu; và có những đối tượng đưa cả em vợ, em trai, em rể tham gia vào đường dây phạm tội này...

Không chỉ có vậy, Mai và Hạnh còn kết nối với các đầu trộm để mỗi khi có hàng là đưa đến điểm hẹn và giao sang Trung Quốc luôn chứ không gom hàng thành chuyến lớn. Trung tá Ngô Quang Trung cho biết: có những lúc các đối tượng trộm xong không kịp mở xe ra kiểm tra mà đi thẳng đến địa điểm quy ước luôn "Hầu hết việc giao nhận xe được thực hiện trên tuyến đường quốc lộ 18  giáp ranh giữa Bắc Giang với Sóc Sơn và sau khi nhận xe xong, hầu hết là các đối tượng vận chuyển sang Trung Quốc chứ không đưa về phòng trọ, khi giao nhận là ban đêm".

Tang vật thu được trong chuyên án 916T (Ảnh: Công an Lạng Sơn)

Những thông tin khai thác được từ các đối tượng càng khẳng định nguồn tin mà các trinh sát, điều tra viên nắm được là chính xác. Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 8 Công an Lạng Sơn đã nắm thông tin từ biên giới nhưng đến tháng 9 mới quyết định phá án sau khi đã thu thập thêm thông tin về đối tượng cũng như phương tiện đối tượng đi đều là tỉnh ngoài. Thiếu tá Vi Quang Thanh chia sẻ: "Trong quá trình đấu tranh chuyên án, khó khăn trước hết là khó khăn về đối tượng, đối tượng rất là tinh vi, thời gian di biến động của đối tượng chúng ta cũng chưa nắm được thông tin cụ thể về thời gian của đối tượng hoạt động và địa bàn của các đối tượng hoạt động"

Mở rộng điều tra về đầu mối tiêu thụ, lực lượng Công an đã bắt giữ 12 đối tượng  trong đó có 1 đối tượng người TQ tên là Hoàng Hoài, sinh năm 1988, trú tại số 8 thị trấn Ái Đỉa, huyện Liên Minh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Cũng theo Trung tá Vũ Tiến Đức, khi mua được xe trộm cắp, Mai và Hạnh điều hành các đối tượng vận chuyển xe đi tiêu thụ đến nhận xe và đi theo tuyến đường từ Bắc Ninh – huyện Lục Nam, Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang – đường liên xã Xuân Dương, thị trấn Na Dương, quốc lộ 4B, xã Yên Khoái,huyện Lộc Bình các đối tượng giao xe cho đối tượng Hoàng Hoài và nhận tiền bán xe mang về cho Hạnh và Mai. Đối tượng Hoàng Hoài tiếp tục cho người mang sang Trung Quốc tiêu thụ. Từ tháng 12/2015 đến tháng 9/016, bọn chúng đã tiêu thụ khoảng 560 chiếc xe mô tô các loại "Đây là một chuyên án lớn, lớn nhất về tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và đây cũng là một thủ đoạn phạm tội mà các đối tượng sau khi trộm cắp tài sản mang tài sản trộm cắp sang TQ tiêu thụ, gây khó khăn cho công tác điều tra, khám phá. Và đặc biệt, trong vụ án này, có những đối tượng là người gốc bản địa TQ nằm trong đường dây đặc biệt này cũng là nguyên nhân gây khó khăn".

Đối tượng Mã Văn Mai (sinh năm 1990) và Hoàng Văn Hạnh (sinh năm 1992) đều có hộ khẩu thường trú tại xã Cộng Hòa, huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cùng có vai trò chỉ đạo, điều hành hoạt động tiêu thụ xe mô tô trộm cắp. Mai là đối tượng có tiền án tiền sự, thường xuyên hoạt động lưu động, không có mặt ở nơi cư trú, thường xuyên ở các tỉnh thực hiện hành vi giúp các đối tượng trộm cắp tài sản mang đi tiêu thụ. Trước khi tham gia đường dây này, Mai cũng là đối tượng trực tiếp vận chuyển, trong quá trình tham gia, Mai trực tiếp móc nối với các đối tượng trộm cắp  và khi có tiền rồi, Mai trực tiếp móc nối, trực tiếp tham gia chỉ đạo, tìm đầu mối để mua. Ban đầu làm thuê cho đối tượng Hạnh, sau này trực tiếp đứng ra làm, có vai trò như nhau với Hạnh. Nhà thuê ở Bắc Ninh là do Hạnh đứng thuê. Trong quá trình tiêu thụ tài sản cùng nhau hưởng lợi nhuận.

Và để nắm rõ hơn về hoạt động của đường dây mua bán xe máy trộm cắp từ Việt Nam sang Trung Quốc, Công an Lạng Sơn đã phối hợp với Ty công an khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và Công an huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc nhằm trao đổi thông tin. Mỗi xe mô tô đưa sang Trung Quốc bán, các đối tượng mua và đưa sang Trung Quốc bán lãi được 5-8 triệu vì xe không có giấy tờ. Đối tượng người Trung Quốc cũng khai nhận là khoảng 6 -7 trăm cái xe đã mua từ VN sang và đều được đưa vào vùng sâu trong đất Trung Quốc để tiêu thụ"

Chuyên án 916T đã được lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn triệt xóa thành công, giúp cho những người không may bị mất cắp xe mô tô có cơ hội tìm lại tài sản của mình đồng thời cũng xóa bỏ một đường dây tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có xuyên quốc gia, góp phần ngăn chặn hành vi phạm tội của đối tượng, bảo vệ tài sản cho nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Kiều Anh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Những nhà báo mang sắc phục Công an

Những nhà báo mang sắc phục Công an

(Radiocand) - Không được cấp thẻ nhà báo nhưng nhiều năm qua có hàng trăm cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại các Phòng công tác Đảng và công tác chính trị ở Công an các địa phương đã miệt mài với công tác báo chí, sẵn sàng dấn thân vào những nơi hiểm nguy, bão lũ, thiên tai để kịp thời mang đến công chúng những bài viết nóng hổi tính thời sự, ghi nhận những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên các chuyên mục truyền hình An ninh hay phát thanh Công an nhân dân, các tờ báo từ trung ương đến địa phương

Cuộc chiến cam go với tội phạm ma túy

Cuộc chiến cam go với tội phạm ma túy

(Radiocand) - Sơn La với 274 km đường biên giới giáp với hai tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Băng, nước bạn Lào, là tỉnh vùng cao biên giới có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh khu vực Tây Bắc của Tổ quốc.. Cuộc chiến đấu chống tội phạm ma túy của lực lượng Công an trên địa bàn trọng điểm này chưa bao giờ ngơi nghỉ

Công an Lào Cai triệt phá đường dây mua bán trái phép ma túy qua biên giới

Công an Lào Cai triệt phá đường dây mua bán trái phép ma túy qua biên giới

(ANTV) - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Lào Cai vừa triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam sau đó vận chuyển qua nước thứ 3 để tiêu thụ, cơ quan chức năng bắt giữ 01 đối tượng, thu giữ 10 bánh heroin, cùng một số tang vật có liên quan.

Xem thêm