(ANTV) - “Còn Đảng là còn mình”. Đó không chỉ là tinh thần theo Anh hùng LLVT nhân dân- Đại tá Trần Văn Năm suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ gian khổ cho đến những năm tháng công tác, chiến đấu sau này, mà còn là kim chỉ nam cho mọi hành động của cán bộ chiến sĩ Đoàn 180 An ninh Vũ trang miền Nam (tiền thân của Phòng Cảnh vệ miền Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ngày nay).
Cách đây hơn 66 năm, ngày 18-10-1956, giữa bối cảnh đế quốc Mỹ dùng mọi phương thức, thủ đoạn hòng đánh sập cơ quan đầu não của Cách mạng, Đoàn 180 chính thức được thành lập với nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, canh gác, bảo vệ lãnh đạo Xứ ủy Nam bộ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao và cơ quan Trung ương Cục miền Nam.
Để rồi từ đó, các địa danh Lò Gò, Xa Mát, Cà Tum, trảng Bảy Bàu, Đồi Thơ… in đậm những bước chân và chiến công của cán bộ chiến sĩ đoàn 180
Đại tá Trần Văn Năm luôn tự hào vì được là một phần của Đoàn 180 và là người lính của Trung đội Trinh sát B5 Anh hùng. Sinh ra và lớn lên ở xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân nghèo, 15 tuổi ông đã tham gia du kích địa phương. Khi vừa tròn 18 tuổi, ông nhập ngũ vào lực lượng An ninh vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam, 3 năm sau thì được tuyển chọn sang Trung đội 5 Trinh sát.
Trinh sát của B5 ngày ấy giờ không còn nhiều người nữa. Mỗi người một nơi, họ thường gặp lại nhau trong những ngày truyền thống của đơn vị hay trong những dịp như thế này- khi chúng tôi tìm đến để làm phim. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, dù sức khỏe không còn như trước nhưng câu chuyện của những người lính già về một thời hoa lửa hào hùng bao giờ cũng rổn rảng, đầy nhiệt huyết sục sôi.
Với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Thiếu tá Nguyễn Phước Tấn, Đại tá Trần Văn Năm cùng đồng đội B5 Trinh sát nói riêng, Đoàn 180 An ninh vũ trang miền Nam nói chung luôn là “lá chắn thép” tạo sự yên tâm cho Trung ương Cục chỉ đạo cách mạng miền Nam qua các giai đoạn - từ chống “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” đến lúc hoàn toàn đánh bại kẻ thù trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Ông cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh tiêu diệt bọn biệt kích, thủy quân lục chiến, bộ binh của Mỹ - ngụy ở khu vực Trảng Hàng Gòn, Trảng Sến, Trảng Tranh, Tà Nốt, Tà Âm,...
Riêng Đại tá Trần Văn Năm trực tiếp tham gia 45 trận đánh lớn, nhỏ, bắn cháy 2 xe tăng, tiêu diệt nhiều tên địch, nhiều lần được nhận các danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng.
Sau này, Trong 9 năm chống Pôn Pốt, Đại tá Trần Văn Năm tham gia và chỉ huy 15 trận đánh, trực tiếp bắn cháy 2 xe tăng và tiêu diệt hàng trăm tên địch, vinh dự nhận Huân chương Ăngco của Nhà nước Campuchia.
Một trong những trận đánh, ông nhớ nhất có lẽ là trận chiến đấu chống càn Giôn-xơn-xi-ty tại trảng Hàng Gòn (nay là xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Với nhiệm vụ vừa trinh sát, vừa đánh địch, ông được phân công tiêu diệt bộ binh, hỗ trợ đồng đội đánh xe tăng và máy bay.
Trong trận này, nhờ quen thuộc địa hình, nhận thấy có thể đánh áp đảo quân địch, ông tiến lại nơi gần nhất rồi bất ngờ nổ súng tiêu diệt gọn 5 tên. Sau khi nghe tiếng súng, địch bỏ chạy tán loạn, quân ta rút lui về vị trí an toàn. Trận này, ông cùng tiểu đội tiêu diệt 4 xe tăng và bắn rơi 1 máy bay trực thăng.
Hay vào ngày 28-12-1967, qua trinh sát nắm tình hình, phát hiện một đội biệt kích Mỹ đang đóng tại Trảng Tranh để bảo vệ căn cứ Thiện Ngôn, ông xin ý kiến cấp trên và trực tiếp chỉ huy tiểu đội tập kích bất ngờ, diệt được gần 70 tên địch. Sau đó, ông cùng một đồng đội tiếp cận đội hình địch, cài 2 trái mìn, tiêu diệt gần toàn bộ đại đội địch. Trận đánh này mang về cho ông danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 1 và 1 bằng khen nữa là trận đánh tại Trảng Tranh (nay thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên).
Đại tá Trần Văn Năm gây ấn tượng với đồng đội không chỉ bởi sự gan dạ, can trường mà còn bởi một sức khỏe khó ai sánh kịp. Có lẽ cũng bởi vậy mà ông vẫn thường được mọi người gọi với cái tên Năm Gấu. Trong ký ức của Đại tá Nguyễn Viết Mạnh, nguyên Chỉ huy trưởng Đoàn đặc nhiệm N52, Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, người được chính Đại tá Trần Văn Năm tuyển về đơn vị trinh sát B5, ông Năm Gấu luôn là người trung đội phó hết lòng với anh em, chỉ dạy cho các tân binh từng điều nhỏ nhặt nhất.
Đại tá Trần Văn Năm có 1 điều đặc biệt, một niềm tự hào nho nhỏ khi là người lính mang 2 màu áo của lực lượng vũ trang. Trở về từ chiến trường, trên cương vị Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, kinh nghiệm của những ngày vào sinh ra tử đã giúp Đại tá Trần Văn Năm có nhiều đóng góp trong việc xây dựng lực lượng, tăng cường gắn bó quân dân vùng biên giới. Ông nhiều lần cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có các hoạt động đối ngoại khôn khéo, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Gần 40 năm công tác, chiến đấu bảo vệ TW Cục miền Nam, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc cũng như trong công tác Chỉ huy Biên phòng tỉnh Tây Ninh rồi tỉnh Long An hoặc các nhiệm vụ khác, ông lập nhiều thành tích vào truyền thống vẻ vang của các đơn vị mình công tác.
Một vinh dự đến với Đại tá Trần Văn Năm, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống của Phòng Bảo vệ 180 (18/10/1956 - 18/10/2011), ngày 17/10/2011, ông được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Người ta biết tới Anh hùng LLVTND Trần Văn Năm anh dũng trong kháng chiến và cũng không khỏi cảm phục người Anh hùng Năm Gấu chí tình trong thời bình. May mắn trở về nguyên vẹn sau chiến tranh, Đại tá Trần Văn Năm cùng đồng đội chưa khi nào quên những anh em từng ngã xuống. Năm 1992, lãnh đạo Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) có chủ trương quy tập mộ liệt sĩ nhằm giải quyết những tồn đọng chính sách sau chiến tranh. Thời gian đó, ông Năm Gấu đang giữ chức Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, được điều động tham gia vào Ban Quy tập hài cốt liệt sĩ An ninh TW Cục. Vậy là không đơn thuần chỉ vì nhiệm vụ, ông đã bắt đầu cuộc hành trình vất vả với cả trái tim.
Gần 10 năm lặn lội hết những cánh rừng ở tỉnh Tây Ninh, sang đất bạn Campuchia, ông đã cùng Ban Quy tập hài cốt liệt sĩ Ban An ninh TW Cục tìm kiếm cất bốc và đưa được 441 phần mộ liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Quốc gia đồi 82 – huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), phần nào an ủi linh hồn người đã mất cũng như bù đắp những mất mát tổn thương cho những người ở lại. Vậy mà trong lòng ông lúc nào cũng đau đáu về những người chưa tìm thấy hay chưa thể trả về đúng tên.
Nghỉ hưu gần 2 chục năm nay, Đại tá Trần Văn Năm lại tiếp tục tham gia công tác tại địa phương với các vai trò: Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện; Trưởng ấp, Bí thư chi bộ ấp Nam, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Gần đây, do sức khỏe không cho phép nên AHLLVTND Trần Văn Năm nghỉ hẳn ở nhà, vui vầy bên con, cháu.
Xuất thân là nông dân nên khi hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao phó, AHLLVTND Trần Văn Năm chọn niềm vui bên vườn cây, chim cảnh.
Người Anh hùng với những chiến công hiển hách năm xưa vẫn bình dị, chân chất như một lão nông tri điền chính hiệu, vẫn giữ khẩu khí quyết liệt, vững vàng khi nói về lý tưởng, đạo đức Cách mạng.
Những chiến công không thể xoá mờ giờ trở thành mảng ký ức oai hùng, còn ông Năm Gấu, người Anh hùng bằng da bằng thịt, mỗi ngày vẫn như cây cao bóng cả, nhắc nhở cháu con sống trong sáng, thiện lương, xứng đáng với những gì mà ông đã một đời cống hiến.
(ANTV) - ANTV) - Chặng đường 5 năm triển khai mô hình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục Truyền thông CAND đã được khẳng định bằng những dấu ấn tinh gọn, hiệu quả; tăng cường được sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung của lãnh đạo Bộ đối với các mặt công tác, tạo định hướng tích cực trong hoạt động thông tin, truyền thông theo hướng chuyên sâu, nhanh chóng, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
(ANTV) - Bệnh viện phụ sản Hùng Vương đã tổ chức khám, tầm soát sức khỏe miễn phí cho gần 300 trẻ được sinh ra giữa tâm dịch Covid-19. Với các trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ mồ côi, bệnh viện sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho các bé.
(ANTV) - Test 2808 01 bài viết thường có link YTB