(ANTV) - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng với các địa phương, Phòng cảnh sát đường thủy Công an tỉnh đã tăng cường lực lượng kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn.
Trong sáng 17/7, Phòng Cảnh sát đường thủy đã huy động 3 tàu và 13 xuồng tăng cường tuần tra, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú báo. Tình đến trưa nay, gần 1.000 tàu cá đã nhận được cảnh báo bão và di chuyển về nơi tránh trú bão trên vùng biển vịnh Hạ Long.
Riêng đối với các phương tiện vận chuyển khách tham quan, lực lượng chức năng đã tới từng phương tiện yêu cầu thuyền trưởng các phương tiện tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn, không cho hành khách ra lan can khi tàu di chuyển. Đồng thời thông tin tới du khách về diễn biến bão và vận động du khách kết thúc sớm hành trình thăm vịnh để bảo đảm an toàn.
Với đặc thù các tuyến luồng đường thủy nội địa, đan xen các tuyến luồng hàng hải, để bảo đảm an toàn cho các phương tiện, Phòng cảnh sát đường thủy cũng phối hợp chặt chẽ với công an các địa phương, bố trí phương tiện tăng cường tuần tra, hướng dẫn các phương tiện vận tải hàng hóa về nơi tránh trú trước khi bão đổ bộ.
Trung tá Nguyễn Văn Thìn, Thủy Đoàn trưởng, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an Quảng Ninh cho hay, phòng cảnh sát đường thủy đã huy động tối đa phương tiện và 100% CBCS trực sẵn sàng chiến đấu. Bố trí các tổ công tác tại các tuyến địa bàn trọng điểm để sẵn sàng bổ sung lực lượng, phương tiện phối hợp xử lý các tỉnh huống. Đồng thời phối hợp với Công an các đơn vị địa phương tăng cường lực lượng hỗ trợ người dân. Đối với trường hợp không chấp hành quy định đảm bảo bảo an toàn mưa bão thì sẽ phải tính đến biện pháp cưỡng chế.
Dự kiến trong chiều nay tất cả các phương tiện hoạt động trên vùng biển vịnh Hạ Long, Bái Tử Long sẽ di chuyển về nơi tránh trú an toàn.
Tại Nam Định, để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện.
Hướng dẫn tàu thuyền không đi vào khu vực nguy hiểm. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn, hoàn thành xong trước 18 giờ ngày 17-7.
Nam Định cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 12 giờ ngày 17-7; cấm biển từ 12 giờ cùng ngày đến khi có tin bão cuối cùng. Đồng thời, phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Cùng ngày, tỉnh Thái Bình đã thực hiện lệnh cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ 12 giờ ngày 17-7.
Bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu.
Di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn. Đóng các cửa khẩu, băng két qua đê biển, đê cửa sông. Tất cả các công việc này phải hoàn thành trước 18 giờ ngày 17-7.
Khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp, biển hiệu và các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đặc biệt ở các huyện ven biển.
Triển khai các phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối tại các tuyến đê cửa sông, ven biển đề phòng bão đổ bộ trong điều kiện triều cường kết hợp nước dâng do bão gây tràn, vỡ bờ bao…
UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tiếp tục thực hiện Công điện số 53/CĐ-PCTT-TKCN&PTDS ngày 15-7-2023 của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân biết, chủ động phòng, chống bão.
Căn cứ tình hình, diễn biến của bão, các địa phương chủ động rà soát, thực hiện sơ tán dân tại các khu vực trũng thấp có nguy cơ cao ngập sâu do mưa lớn, nước biển dâng; chủ động kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đặc biệt các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình cao tầng, công trình ven biển, ven núi; các khu vực khai thác khoáng sản; các khu vực có nguy cơ sạt lở, các khu vực tập kết hàng hóa, hệ thống truyền tải điện...
UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng rà soát, sẵn sàng thực hiện phương án đảm bảo tiêu thoát nước khu vực đô thị trong trường hợp xảy ra mưa lớn. Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo thực hiện đảm bảo công tác phòng, chống bão tại các khu, cụm công nghiệp quản lý.
Ủy ban nhân dân quận Đồ Sơn, huyện Cát Hải tổ chức rà soát, thống kê, chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu du lịch biển, đảo; sẵn sàng phương án xử lý sạt lở các tuyến đường ven biển, ven núi có nguy cơ sạt lở.
Căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển; chủ động thông tin, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển.
Nghệ An xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân
Tính đến 16h ngày 16/7/2023, Nghệ An có 2.978 phương tiện/14.869 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Số phương tiện đang neo đậu tại bến là 2.190 phương tiện/9.977 lao động; có 1 phương tiện/1 lao động neo đậu ngoại tỉnh.
Số phương tiện đang hoạt động trên biển: 788 phương tiện/4.892 lao động. Không có phương tiện nào không liên lạc được và cũng không có phương tiện nằm trong khu vực nguy hiểm.
Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã được cơ quan thông tin duyên hải thông báo về vị trí, hướng đi của Bão số 1 và giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Nghệ An có 1.061 hồ đập lớn nhỏ và 22 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác. Các công trình đều đang được các địa phương, đơn vị triển khai vận hành theo phương án phòng chống thiên tai, an toàn đập và hồ chứa được phê duyệt.
(ANTV) - ANTV) - Chặng đường 5 năm triển khai mô hình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục Truyền thông CAND đã được khẳng định bằng những dấu ấn tinh gọn, hiệu quả; tăng cường được sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung của lãnh đạo Bộ đối với các mặt công tác, tạo định hướng tích cực trong hoạt động thông tin, truyền thông theo hướng chuyên sâu, nhanh chóng, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
(ANTV) - Bệnh viện phụ sản Hùng Vương đã tổ chức khám, tầm soát sức khỏe miễn phí cho gần 300 trẻ được sinh ra giữa tâm dịch Covid-19. Với các trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ mồ côi, bệnh viện sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho các bé.
(ANTV) - Test 2808 01 bài viết thường có link YTB