(ANTV) - Những năm gần đây, các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm mua bán người trên thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tháng 6 vừa qua, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã đưa ra mức cảnh báo màu cam cho 195 quốc gia thành viên về “cuộc khủng hoảng buôn người toàn cầu”.
Interpol cảnh báo về tình trạng hàng chục nghìn người đã bị bọn tội phạm buôn người dụ dỗ qua con đường lừa đảo việc làm đến các trung tâm tội phạm ở Đông Nam Á.
Trước thực trạng đó, Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người 30/7 năm nay là một dịp quan trọng để nhìn nhận về tình hình mua bán người, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này cũng như kêu gọi các hành động bảo vệ nạn nhân bị mua bán.
Ngày 27/6 vừa qua, Cảnh sát Philippines đã tổ chức một cuộc đột kích lớn, giải cứu hơn 2.700 lao động từ 18 quốc gia, với nhiều người được cho là nạn nhân của các vụ buôn người. Những lao động này bị ép tìm người chơi cho những trò chơi trực tuyến.
Trước đó, hồi tháng 5, cảnh sát Philippines đã đột kích vào một cơ sở tội phạm mạng khác ở phía Bắc Manila, giải cứu gần 1.400 lao động bị ép thực hiện các vụ lừa đảo tiền điện tử.
Tội phạm buôn người và lừa đảo qua mạng đang trở thành vấn đề nổi cộm ở khu vực Đông Nam Á. Nạn nhân bị dụ dỗ làm việc ở các quốc gia khác với mức lương cao, sau đó bị giữ trong điều kiện sống tồi tệ, thường xuyên bị lạm dụng và bạo hành. Các nạn nhân cũng bị ép tham gia hoạt động tội phạm, như lừa đảo đầu tư và cờ bạc trực tuyến.
Ông Marc E.Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Trên thực tế, mạng xã hội đã nổi lên như một trong những công cụ chính bị những kẻ mua bán người lạm dụng. Chúng sử dụng mạng xã hội để tuyển mộ nạn nhân, mở rộng hoạt động, kiểm soát nạn nhân và lừa gạt người dùng trên toàn thế giới tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp như lừa đảo trực tuyến.
Theo phóng viên Hang-Shuen Lee: Những kẻ buôn người thường đăng tải những thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, công việc đa dạng từ kế toán đến dịch vụ khách hàng và công nghệ thông tin, điểm chung là công việc nhẹ nhàng với mới lương rất hấp dẫn, được tài trợ ăn ở và vé máy bay. Một khi người lao động đến sân bay, hộ chiếu của họ sẽ bị tịch thu sau đó họ được đưa đến những tòa nhà, bị ép làm việc tới 15 tiếng mỗi ngày. Họ phải tìm người chơi cho các trò chơi trực tuyến, cờ bạc trực tuyến hoặc mời mọi người tham gia đầu tư tiền ảo.
Về khía cạnh an ninh con người, báo chí khu vực đã gọi đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Đông Nam Á, với hàng chục nghìn người là nạn nhân của các vụ lừa đảo lao động. Một mặt, họ là nạn nhân của các vụ buôn người, bị bóc lột, lạm dụng và bị ngược đãi. Mặt khác họ lại tiếp tục trở thành kẻ lừa đảo các nạn nhân khác trên khắp thế giới.
Nhiều người cho biết cố gắng thoát khỏi nơi làm việc nhưng bị bắt phải trả một số tiền rất lớn và lo sợ bị bán cho các tổ chức tội phạm khác. Những người được giải cứu và trốn thoát đã thuật lại câu chuyện đau lòng về việc bị đánh đập, giật điện tra tấn, bóc lột tình dục hay bỏ đói giam cầm trong phòng tối.
Anh Lu Xiangri, nạn nhân buôn người cho biết: Một số người cố gắng bỏ trốn đã bị đánh đến chết. Việc này xảy ra khá thường xuyên. Chúng có thể bán người cho những tổ chức tội phạm khác hoặc đánh đập họ.”
Phóng viên Hang-Shuen Lee cho biết thêm. Anh đã nhận được một số hình ảnh từ một tổ chức phi chính phủ. Họ nói rằng hình ảnh này được gửi từ chính những nạn nhân sau khi bị đánh đập, bạo hành bằng gậy gỗ hoặc roi điện.
Buôn người là loại hình tội phạm phức tạp và không có một loại nạn nhân cụ thể nào. Nạn nhân có thể là bất cứ ai, từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, có thể là đàn ông, phụ nữ, trẻ em hoặc người chuyển giới và thuộc bất kỳ chủng tộc hay sắc tộc nào.
Nếu như quan niệm truyền thống trước đây cho rằng nạn nhân chỉ là những người có hoàn cảnh khó khăn,ít học thì các nhóm tội phạm hiện nhắm vào cả những người có trình độ cao, những người có bằng đại học.
Vì vậy, để để đối phó với tình trạng buôn bán người lạm dụng công nghệ, mỗi cá nhân cần tự nâng cao nhận thức, tỉnh táo, cảnh giác trước những lời chào mời “việc nhẹ lương cao”. Ở cấp độ quốc gia, các chính phủ cần tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống mua bán người và tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này.
Nạn buôn người nhìn chung là kết quả của nghèo đói, bất bình đẳng và thiếu cơ hội phát triển kinh tế. Để có tiền hỗ trợ một gia đình, nhiều người thường buộc phải tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài hoặc ở các thành phố lớn. Kẻ buôn người tận dụng điều này để dụ dỗ nạn nhân sập bẫy.
Chính vì vậy, người dân nên cảnh giác với những cơ hội việc làm mà tiền lương hoặc điều kiện làm việc quá lý tưởng. Về phía chính phủ, cần nâng cao hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin để giáo dục người dân về các dấu hiệu lừa đảo. Các nước cần tăng cường truy quét tội phạm, đẩy nhanh việc xử lý các vụ án buôn người để cảnh báo tội phạm.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát xuyên biên giới và quản lý di cư, đồng thời tìm kiếm những giải pháp khả thi đáp ứng những thách thức mới của nạn mua bán người.
Ông Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam cho rằng: Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Tác động nặng nề của biến đổi khí hậu khiến nhiều người dân lâm vào cảnh đói nghèo và trở nên dễ bị tổn thương. Các nhóm tội phạm có tổ chức thường lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế của họ để dụ dỗ, lừa đảo và biến họ trở thành nạn nhân của mua bán người. Cùng nhau, chúng ta cần giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương hiểu rõ về những rủi ro này, cảnh giác trước những thủ đoạn của các nhóm tội phạm, nắm được cách thức di cư an toàn và xây dựng sinh kế bền vững.
Ông Marc E.Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bày tỏ: Chúng ta cần nhanh chóng có cách tiếp cận toàn diện với sự chung tay của cả bộ máy nhà nước và toàn xã hội để giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần trừng phạt nghiêm minh những đối tượng mua bán người và các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bảo vệ nạn nhân và tìm ra những giải pháp sáng tạo để ngăn chặn mua bán người diễn ra trên môi trường trực tuyến.
Cũng theo bà Park Mihyung – Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam: Mạng lưới các bên liên quan đến phòng, chống mua bán người cần phải liên tục cập nhật để phát triển và hiểu rõ các khía cạnh của vấn đề này. Quan trọng là chúng ta cần phải tìm ra những cách thức mới để xác định các xu hướng mua bán người mới nổi, xác định những người dễ bị tổn thương, cung cấp hỗ trợ cho nạn nhân và tìm kiếm những giải pháp kịp thời, khả thi, đáp ứng những thách thức mới của nạn mua bán người. Chỉ khi bản thân chúng ta được trang bị đầy đủ để đấu tranh với nạn mua bán người, thì chúng ta mới có thể hướng tới và tiếp cận đến tất cả mọi người.
Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, hợp tác quốc tế giữa các quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng. Với nguy cơ Đông Nam Á đang trở thành một trong những thiên đường của các tội phạm lừa đảo trực tuyến cũng như buôn bán người, các nước khu vực đang nỗ lực để ngăn chặn tình trạng này.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 vào tháng 5 vừa qua đã ra Tuyên bố về chống buôn bán người do lạm dụng công nghệ, đề ra cách tiếp cận toàn diện để khắc phục nạn buôn người, từ giai đoạn phòng ngừa đến bảo vệ nạn nhân.
Hợp tác trong ASEAN chống tội phạm xuyên quốc gia sẽ góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở từng nước nói riêng và đảm bảo môi trường ổn định, hòa bình và phát triển khu vực nói chung.
Kể từ năm 2013, Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới và ngày 30-7 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người.
Với chủ đề: "Hướng tới tất cả nạn nhân bị mua bán, không để ai bị bỏ lại phía sau", Ngày thế giới phòng, chống mua bán người năm nay kêu gọi cộng đồng cùng chung tay và cất cao tiếng nói chống lại nạn mua bán người, cùng bảo vệ và trao quyền cho tất cả các nạn nhân để họ có thể xây dựng cuộc sống và phát huy hết năng lực của mình, định hình lại một thế giới tốt đẹp hơn của chính họ.
(ANTV) - ANTV) - Chặng đường 5 năm triển khai mô hình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục Truyền thông CAND đã được khẳng định bằng những dấu ấn tinh gọn, hiệu quả; tăng cường được sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung của lãnh đạo Bộ đối với các mặt công tác, tạo định hướng tích cực trong hoạt động thông tin, truyền thông theo hướng chuyên sâu, nhanh chóng, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
(ANTV) - Bệnh viện phụ sản Hùng Vương đã tổ chức khám, tầm soát sức khỏe miễn phí cho gần 300 trẻ được sinh ra giữa tâm dịch Covid-19. Với các trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ mồ côi, bệnh viện sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho các bé.
(ANTV) - Test 2808 01 bài viết thường có link YTB