Thứ Sáu, 01/11/2024 14:28 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Thế giới

Biến đổi khí hậu và sự trở lại của El Nino

BT

(ANTV) - Cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) cho hay nhiệt độ trung bình toàn cầu trong đầu tháng 6 này đã ở mức cao nhất trong các tháng 6 được ghi chép dữ liệu. Lần đầu tiên trong tháng 6 ghi nhận nhiệt độ bề mặt toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức giới hạn đề ra theo thỏa thuận trong Hiệp định Paris năm 2015, nhằm ngăn chặn những tác động không thể đảo ngược đối với môi trường toàn cầu.

Thông tin được công bố trong bối cảnh hiện tượng El Nino đã chính thức trở lại, làm gia tăng mối lo ngại về thời tiết cực đoan và các kỷ lục nhiệt độ cao hơn. Nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đang trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết.

Trong những tuần gần đây, hàng loạt quốc gia châu Á đã bị ảnh hưởng bởi nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ kỷ lục lên tới 45 độ C đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc...

Tại Bangladesh, nắng nóng ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và công việc của người dân, đặc biệt là những người phải làm việc ngoài trời. Tình trạng cắt điện thường xuyên xảy ra do thiếu nhiên liệu, hàng nghìn trường học phải đóng cửa.

Anh Mohammad Sumon, người dân Dhaka, Bangladesh cho biết: Tôi mất đến 20 con gà chỉ trong hôm nay vì trời quá nóng. Điện thì có lúc mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Tôi thậm chí không thể ngủ ngon. Cảm giác thật bất lực.

Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 16/6 lần đầu tiên trong năm phải ban bố cảnh báo nắng nóng màu cam - chỉ còn một mức nữa là màu đỏ cực đại. Nhiệt độ mặt đường đo được từ 12h đến 17h ở nhiều khu vực nội ô luôn trên 50 độ C và dự kiến sẽ còn kéo dài.

Ông Qiu, người dân Bắc Kinh, Trung Quốc lo mình sẽ bị sốc nhiệt. Trời quá nóng khiến tôi cảm thấy không khỏe. Tôi làm việc ít và nghỉ ngơi nhiều hơn, uống nhiều nước đặc biệt vào buổi trưa, đợi đến chiều tối (lúc tắt nắng) mới kết thúc công việc. Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm.

Chị Wang, người dân Bắc Kinh, Trung Quốc chia sẻ: Tôi phải mặc lớp trong lớp ngoài. Bôi kem chống nắng, đội mũ, mặc áo chống nắng. Mặc nhiều như vậy cũng càng nóng hơn.

Trong khi đó tại châu Âu, nền nhiệt độ cũng cao bất thường ngay khi mới bước vào mùa hè, làm dấy lên lo ngại về các vấn đề sức khỏe người dân và nguy cơ thiếu nước.

Tây Ban Nha từ cuối tháng 4 đã đối mặt với tình trạng nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng ở nhiều khu vực, làm cạn kiệt các hồ chứa, khiến sản lượng nông sản sụt giảm và đẩy giá lương thực tăng cao.

Ông Valentine, Chủ cửa hàng rau quả tại Madrid, Tây Ban Nha cho biết: Hiện giá các loại rau củ quả đã tăng trung bình từ 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Người dân cần rau củ quả nhưng nhiều khi không đủ tiền để mua những loại có chất lượng cao hơn.

Tại Đức, Cơ quan Khí tượng nước này cũng dự báo nhiệt độ cao hơn mức trung bình hàng năm khoảng 1 độ C sẽ duy trì suốt mùa hè, từ tháng 6 đến tháng 8 và nguy cơ xảy ra hạn hán nghiêm trọng. Mực nước trên các sông được dự báo sẽ xuống mức thấp, gây ảnh hưởng tới giao thông vận tải đường thủy.

Còn tại Mỹ, Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS) cũng đưa ra cảnh báo về một đợt nắng nóng thiêu đốt kéo dài nhiều ngày ở khu vực Texas và 1 số bang ở miền Nam từ cuối tuần này, với nhiệt độ trung bình trên 40 độ C, có khả năng làm tăng nguy cơ cháy rừng và các bệnh liên quan đến nhiệt độ.

Sự trở lại của El Nino

Sau 3 năm thế giới chịu sự chi phối từ hiện tượng La Nina, vốn có xu hướng mang lại thời tiết mát mẻ hơn, thì El Nino hiện đang trở lại. Lần cuối cùng El Nino diễn ra mạnh mẽ là vào năm 2016, khi thế giới có năm nóng nhất từng được ghi nhận. Thế nhưng, các nhà khoa học lo ngại cường độ của lần tái xuất này sẽ còn mạnh hơn nữa và có thể khiến nhân loại hứng chịu những năm nóng nhất trong lịch sử.

El Nino là một kiểu khí hậu tự nhiên sinh ra từ vùng nước ấm bất thường ở phía đông Thái Bình Dương... mặc dù các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn điều gì đã khởi động chu kỳ này. Nó có khả năng khiến thời tiết khắc nghiệt hơn vào cuối năm nay - từ các cơn bão nhiệt đới đến lượng mưa lớn.

Ông Tom Di Liberto, Nhà khí tượng học - Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) cho biết: Sự tích tụ nước ấm ở phía đông Thái Bình Dương sẽ truyền nhiệt cao vào khí quyển thông qua sự đối lưu, tạo ra dông bão. Với El Nino lần này, các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương sẽ được tăng thêm tần suất và cường độ.

El Nino do đó có thể khiến lượng mưa tăng lên ở miền Nam Nam Mỹ, trung tâm châu Á và vùng Sừng châu Phi, làm dấy lên hy vọng chấm dứt hạn hán ở các khu vực này, song cũng kèm theo cả nguy cơ lũ lụt. Tuy nhiên, nó lại làm tăng nguy cơ hạn hán ở các khu vực khác như Australia, Indonesia và một số khu vực phía Nam châu Á.

Giới khoa học còn dự đoán El Nino năm nay có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế toàn cầu lên tới 3-4 nghìn tỷ USD, trong đó những nước nghèo chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng như khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

Không chỉ thế, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo nhiệt độ toàn cầu có thể tăng lên mức kỷ lục trong giai đoạn từ năm nay đến năm 2027 do khí nhà kính giữ nhiệt và đặc biệt là El Nino.

Theo ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO): Có 66% khả năng nhiệt độ toàn cầu sẽ cao hơn 1,5 độ C trong vòng 5 năm tới. Và có 98% khả năng ít nhất 1 trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ là nóng nhất từng được ghi nhận...

Hiện tượng El Nino nóng lên dự kiến sẽ phát triển trong những tháng tới và kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra để đẩy nhiệt độ toàn cầu lên một mức chưa từng có. Điều này sẽ có những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng.

Kỳ vọng gì ở COP28?

Các dấu hiệu và tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra đang ngày càng gia tăng. Chừng nào khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được hạn chế, nhiệt độ toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng. Cùng với sự trở lại của El Nino, các hình thái thời tiết cực đoan sẽ diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Thực trạng đáng lo ngại đòi hỏi các quốc gia phải có ngay những giải pháp ứng phó toàn diện.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres mới đây tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh hành động chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải bằng cách loại bỏ than đá, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế theo hướng xanh hóa, thân thiện với môi trường. Ông Guterres cũng đề xuất Hiệp ước đoàn kết về khí hậu và đưa ra chương trình nghị sự tăng tốc, theo đó kêu gọi các chính phủ, ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và các bên liên quan khác thực hiện nghiêm túc các cam kết, trong đó có cam kết giúp các quốc gia kém phát triển tiếp cận được nguồn tài chính cần thiết để chống biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo: Thế giới cần loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng và hợp lý, đồng thời thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ cho năng lượng tái tạo trong một quá trình chuyển đổi cân bằng... Đã đến lúc thức tỉnh và hành động mạnh mẽ... Việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C vẫn có thể thực hiện được.

Các nước phát triển cần đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, một số nước đã cam kết đạt mục tiêu này vào năm 2035. Các nền kinh tế mới nổi cũng cần tiến gần nhất có thể đến mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Như Việt Nam là 1 ví dụ điển hình... Điều này đòi hỏi ý chí và tham vọng chính trị từ tất cả các nước cũng như công lý khí hậu cho các nước đang phát triển nói chung.

Nhằm chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), sẽ khởi động vào tháng 11 tới tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Hội nghị tham vấn của LHQ về khí hậu vừa diễn ra tại thành phố Bonn của Đức, tập trung cao độ bàn thảo về các biện pháp thực chất, cụ thể nhằm kiềm chế tình trạng ấm lên toàn cầu. Và tại COP28, các nước tham dự được kỳ vọng sẽ tạo một bước ngoặt lớn, tiếp nối bước tiến tích cực của COP27, với việc thống nhất thành lập một quỹ bù đắp tổn thất, thiệt hại cho các quốc gia dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Chủ tịch COP28 Sultan Al-Jaber cũng nhiều lần khẳng định quyết tâm thúc đẩy cắt giảm nhiên liệu hóa thạch và cho hay, lộ trình của hội nghị COP28 bao gồm việc thực hiện mục tiêu toàn cầu là đến năm 2030 sẽ tăng gấp 3 giá trị đóng góp của năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu suất sử dụng năng lượng và thị phần của hydro sạch.

Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang có nguy cơ chệch hướng do mức độ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua. Những lời cảnh báo và cam kết đã được cộng đồng quốc tế đưa ra, nhưng sẽ còn cần nhiều hành động thực chất, có trách nhiệm và táo bạo hơn nữa để bảo vệ môi trường sống và kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5 độ C.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Test 2808_Bài viết slide ảnh có link YTB

Test 2808_Bài viết slide ảnh có link YTB

Chính trị 28/08/2024

(ANTV) - ANTV) - Chặng đường 5 năm triển khai mô hình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục Truyền thông CAND đã được khẳng định bằng những dấu ấn tinh gọn, hiệu quả; tăng cường được sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung của lãnh đạo Bộ đối với các mặt công tác, tạo định hướng tích cực trong hoạt động thông tin, truyền thông theo hướng chuyên sâu, nhanh chóng, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Test 2808_ Bài viết Infographic có link YTB

Test 2808_ Bài viết Infographic có link YTB

Chính trị 28/08/2024

(ANTV) - Bệnh viện phụ sản Hùng Vương đã tổ chức khám, tầm soát sức khỏe miễn phí cho gần 300 trẻ được sinh ra giữa tâm dịch Covid-19. Với các trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ mồ côi, bệnh viện sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho các bé.

Xem thêm