(ANTV) - Cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là quy định tiến bộ, ý nghĩa nhân văn; Tài khoản mạng xã hội - không định danh sẽ bị xử lý; Bỏ đăng kiểm dù đến hạn để chờ tự động giãn chu kì kiểm định; Bất cập giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện sản xuất của doanh nghiệp;... là những tin tức nổi bật trên báo số ra ngày 10/5.
Cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là quy định tiến bộ, ý nghĩa nhân văn
Cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam là một bước tiến bộ trong bảo vệ quyền con người, thể hiện trách nhiệm của đất nước trong quản lý người dân sinh ra có gốc Việt Nam, người không có quốc tịch đang sống trên đất Việt Nam, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh nội dung này tại phiên họp lần thứ 6 thẩm tra dự án Luật Căn cước.
Giải thích thêm vì sao lại cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam, đồng chí Thứ trưởng cũng khẳng định, đây là lý do Chính phủ chỉnh lý tên gọi là dự án Luật Căn cước, bởi Luật Căn cước phạm vi bao trùm hơn, bao gồm cả công dân và những người chưa đủ quyền công dân, trong đó có người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam. Còn việc cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi đem lại tiện ích rất lớn, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ hội nhập quốc tế... Đồng chí Thứ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến thẩm tra, góp ý xác đáng của các đại biểu tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Tài khoản mạng xã hội - không định danh sẽ bị xử lý
Vấn nạn lừa đảo, xúc phạm uy tín, danh dự tổ chức, cá nhân, cùng nhiều nội dung độc hại vẫn tràn lan trên môi trường mạng có một phần nguyên nhân là hiện nay mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin OTT có phép ẩn danh của người dùng. Do đó việc yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội được xem là hành động cần thiết nhằm tạo sự trong sạch, minh bạch cho không gian mạng. Liên quan đến vấn đề này, báo Kinh tế và đô thị có bài viết “Tài khoản mạng xã hội - không định danh sẽ bị xử lý”.
Về việc định danh các tài khoản trên mạng, mới đây, tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đã cung cấp nhiều thông tin về chế tài này. Chậm nhất là đến cuối năm 2023, sẽ có nghị định mới nhằm yêu cầu chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện định danh. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, hiện giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đã có cơ chế phối hợp cụ thể về việc xác định các tài khoản trên mạng. Cũng trong thời gian tới, việc xác định cũng như định danh tài khoản mạng xã hội sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý cụ thể khi Quốc hội xem xét và cho ý kiến với dự án Luật Viễn thông sửa đổi.
Bỏ đăng kiểm dù đến hạn để chờ tự động giãn chu kì kiểm định
Nhiều chủ xe dù đã đến lịch đăng kiểm nhưng vẫn trì hoãn sau khi biết thông tin về đề xuất “ôtô dưới 9 chỗ không kinh doanh được tự động giãn chu kì kiểm định”. Tại các trung tâm đăng kiểm ghi nhận tình trạng thưa vắng ở một số thời điểm do chủ xe “bỏ lốt” dù đến lịch kiểm định. Ghi nhận trên báo Lao động số ra sáng nay.
Mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về đề xuất áp dụng ngay việc giãn chu kì kiểm định mà không phải đưa xe đến kiểm định lại, áp dụng với ôtô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định. Trong khi đó, những ngày gần đây, một số Trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp “bỏ lốt”, đến lịch hẹn nhưng không đưa xe đến đăng kiểm. Đề xuất trên nếu sớm được áp dụng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc, giúp hạ nhiệt tại các trung tâm đăng kiểm ôtô, song việc người dân đã quá hạn đăng kiểm nhưng vẫn cố trì hoãn là sai quy định.
Bất cập giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện sản xuất của doanh nghiệp
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN và có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện. Thông tin chi tiết trên báo Tuổi trẻ.
Trong báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội vừa hoàn thành ngày 8/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc tăng giá này của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm. Cơ chế giá điện hiện không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp, đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay, nhưng chưa được xem xét, thay đổi. Theo đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.
(ANTV) - ANTV) - Chặng đường 5 năm triển khai mô hình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Cục Truyền thông CAND đã được khẳng định bằng những dấu ấn tinh gọn, hiệu quả; tăng cường được sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung của lãnh đạo Bộ đối với các mặt công tác, tạo định hướng tích cực trong hoạt động thông tin, truyền thông theo hướng chuyên sâu, nhanh chóng, kịp thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
(ANTV) - Bệnh viện phụ sản Hùng Vương đã tổ chức khám, tầm soát sức khỏe miễn phí cho gần 300 trẻ được sinh ra giữa tâm dịch Covid-19. Với các trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ mồ côi, bệnh viện sẽ có kế hoạch hỗ trợ cho các bé.
(ANTV) - Test 2808 01 bài viết thường có link YTB